MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Xây dựng và phát triển Học viện ANND trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng 2030 thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ ANQG và đảm bảo TTATXH trong bối cảnh Cách mạnh công nghiệp 4.0, góp phần vào sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, Học viện đang tiếp tục phấn đấu với các định hướng phát triển trọng tâm sau:
1. Về đào tạo và bồi dưỡng
- Học viện tiên phong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao, đổi mới sáng tạo trong quản lý đạt chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an, đặc biệt là yêu cầu nhân lực cho cuộc Cách mạng 4.0 và bối cảnh chuyển đổi số;
- Tiếp tục đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của xã hội và đáp ứng kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế; rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đào tạo ở các trình độ theo hướng cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an. Chương trình đào tạo trình độ đại học đổi mới theo hướng điều chỉnh lại cấu trúc, phân bổ các khối kiến thức cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và yêu cầu chuyển đổi số nói riêng;
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương sơ kết, rà soát, đánh giá về ngành, chuyên ngành đào tạo để có đẩy đủ các căn cứ lý luận, thực tiễn, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an về điều chỉnh ngành, chuyên ngành hiện đang đào tạo;
- Đề xuất mở chuyên ngành mới đáp ứng phát triển của lý luận và đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn công tác Công an, phù hợp với yêu cầu sử dụng cán bộ của ngành Công an trong tình hình mới.
2. Về khảo thí, kiểm định và đối sánh chất lượng đào tạo
- Học viện thực hiện tốt công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học theo quy định;
- Xây dựng quy trình quản lý thi, đánh giá chất lượng giáo dục đại học thông qua hoạt động chuyển đổi số đạt chuẩn khu vực và quốc tế;
- Xây dựng bộ tiêu chuẩn và các tiêu chí của mô hình đại học thông minh theo hướng tiếp cận đảm bảo chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học, đối sánh với các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
3. Về khoa học và công nghệ
- Phát triển Viện nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh, đủ năng lực đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ;
- Quản lý, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ khoa học, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, hướng tới các công bố khoa học đạt chuẩn quốc tế, với nhiều bài báo khoa học được đăng trên các nhóm Khoa học SCI (Science Citation Index), nhóm Khoa học Xã hội SSCI (Social Sciences Citation Index); các tạp chí, nhà xuất bản Quốc tế nằm trong danh mục xét chọn của Viện Thông tin khoa học ISI, Hoa Kỳ (Institute for Scientific Information); Scopus - Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan;
- Phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao. Các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học góp phần gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ của Học viện. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các phần mềm phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, đáp ứng cuộc Cách mạng 4.0 cho Học viện, Ngành và xã hội.
4. Về nguồn nhân lực và quản trị đại học
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô và cơ cấu phù hợp, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch dự kiến phân bổ cử đi đào tạo, bồi dưỡng từng năm và quy hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, ưu tiên quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên trẻ đi học tập nâng cao trình độ; phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ An ninh về bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới;
- Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Học viện có khoảng 300 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ và tỷ lệ giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không thấp hơn 20% tổng số giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ của Học viện; 90% giảng viên nghiệp vụ đã qua công tác thực tiễn nhằm kết hợp tốt giữa giảng dạy lý luận với thực hành nghề nghiệp cho học viên; 100% giảng viên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; 100% giảng viên tốt nghiệp các trường ngoài Ngành được trang bị kiến thức nghiệp vụ Công an theo đúng tiêu chuẩn, chức danh quy định; 80% cán bộ, giảng viên đạt chứng chỉ CNTT cơ bản, chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và tương đương;
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại, đổi mới, sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số trên mọi mặt công tác hoạt động của Học viện;
- Đảm bảo và nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên Học viện.
5. Về hợp tác quốc tế
- Xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới. Trong đó, chú trọng thúc đẩy tạo mối liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát để hướng tới trao đổi nghiên cứu học thuật, trao đổi giảng viên và học viên với các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo về nghiên cứu những vấn đề an ninh, tội phạm học, an ninh mạng, công nghệ thông tin, luật, đồng thời khẳng định vị thế và nâng tầm phát triển của Học viện trong khu vực và trên thế giới;
- Xây dựng môi trường quốc tế hoá, nâng cao khả năng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên.
6. Về quản lý và giáo dục học viên
- Tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác quản lý, giáo dục học viên, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế;
- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, giáo dục học viên trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học viên.
7. Về cơ sở vật chất
- Hoàn thiện cơ sở vật chất của Học viện đáp ứng nhiệm vụ và quy mô đào tạo theo yêu cầu xây dựng lực lượng CAND Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, chú trọng xây dựng Thư viện Trung tâm theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo đủ số lượng và đạt chuẩn chất lượng; nâng cấp thiết bị máy móc và mở rộng diện tích xưởng in đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật in giáo trình, tài liệu dạy học của trường trọng điểm để hướng tới thành lập Nhà xuất bản của Học viện đảm bảo in ấn, xuất bản giáo trình, tài liệu phục vụ kịp thời yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên;
- Tăng cường đầu tư mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên, đặc biệt góp phần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn và hiệu quả;
- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
8. Về xây dựng Học viện số
- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt công tác của Học viện. Trong đó, tập trung vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số - thông tin số - tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;
- Xây dựng thành công Học viện số định hướng đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng hội nhập quốc tế và xếp hạng đại học theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Qua 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện An ninh nhân dân đang tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại để phấn đấu sớm xây dựng Học viện trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia vào năm 2025, xứng đáng là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Công an, có uy tín và danh tiếng trong xã hội, ngang tầm với các trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.
Xem thêm tại:
Theo Học viện An ninh Nhân dân