30/01/2024

Tuyển sinh Đại Học 2024: Không làm rối thí sinh

Bộ GD-ĐT lưu ý các trường đại học cân nhắc khi sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, cần có chọn lọc trên cơ sở khoa học, công bằng với thí sinh

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tuyển sinh ĐH năm 2024.

Phóng viên: Nhiều trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh 2024. Bà có lưu ý gì đối với các thí sinh trước mùa tuyển sinh năm nay?

  • PGS-TS NGUYỄN THU THỦY: Năm nay, hầu hết các trường giữ ổn định những phương thức xét tuyển của năm trước nhưng có thể có thay đổi về phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin này trong đề án tuyển sinh của các trường để đăng ký xét tuyển cho phù hợp.
    • Bên cạnh đó, các em cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - điều kiện cần để vào học ở bậc ĐH. Thí sinh cần chuẩn bị các phương thức xét tuyển mà bản thân có lợi thế hoặc đã nghiên cứu, theo đuổi từ trước; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố, nhất là với trường tổ chức xét tuyển sớm.

    Thí sinh trúng tuyển sớm cần làm những thủ tục gì?

    - Thí sinh cần lưu ý dù đã tham gia xét tuyển và trúng tuyển sớm thì vẫn phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Như vậy, nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.

    Nguyên tắc trong xét tuyển là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh. Các em được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng; không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển mà chỉ chọn ngành/trường xét tuyển để đăng ký.

  • Hệ thống sẽ sử dụng tất cả kết quả, dữ liệu có thể dùng xét tuyển đã được cung cấp, để sao cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

    Để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành như mong muốn, thí sinh nên ưu tiên xếp các nguyện vọng mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực... lên trên.

    Nguyên tắc xét tuyển là thí sinh trúng tuyển không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Em nào có năng lực cao hơn sẽ được chọn trúng tuyển trước.

    Năm nay, không ít trường mở thêm các ngành học mới không phải là sở trường. Ví dụ, trường khối kinh tế thì mở thêm ngành công nghệ, trường kỹ thuật mở thêm ngành xã hội. Theo bà, hiện tượng này có bất thường không?

 

Tôi cho đây là tín hiệu tích cực. Các trường ĐH hiện rất nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia.

Trong năm nay, nhiều trường đã và sẽ mở các ngành, chương trình đào tạo liên quan thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Có trường bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính; các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI)... Các ngành liên quan AI, Robotics, Fintech, khoa học dữ liệu... đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với thí sinh.

Theo dõi công tác tuyển sinh trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy các ngành như: kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nhân văn, sức khỏe, khoa học xã hội và hành vi, khoa học giáo dục được thí sinh khá ưa chuộng.

Một vấn đề đáng lo ngại là một số nhóm ngành, lĩnh vực về nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đang thiếu sức hút đối với thí sinh. Thực tế, những nhóm ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm, cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể thí sinh chưa nhận thức được tính chất cũng như cơ hội phát triển của các nhóm ngành nêu trên và chưa có sự định hướng đúng đắn nên không lựa chọn. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn.

Năm nay, nhiều trường đã thông báo xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) THPT nhưng cũng có trường từ chối xét tuyển bằng phương phức này. Không ít ý kiến cho rằng xét tuyển bằng học bạ dễ xảy ra tình trạng bất công vì học bạ có thể được "làm đẹp". Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

- Việc một số trường sử dụng hay không sử dụng phương thức tuyển sinh nhất định cho các ngành đào tạo nhất định là bình thường. Điều này không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của trường khác, cũng không ảnh hưởng tới hệ thống.

Thực tế, kết quả học tập ở bậc THPT là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập… của thí sinh. Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cũng cần phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Vừa qua, một số trường đã công bố những thông tin để xem xét các phương thức tuyển sinh tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên ở bậc ĐH. Từ kết quả phân tích này, các trường sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.

Các trường ĐH, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Với các trường đào tạo những ngành đặc thù thì cần các kỳ thi năng khiếu riêng…

Trong khi đó, với những trường đào tạo các ngành không cạnh tranh quá cao thì thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được. Các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

Bộ GD-ĐT có khuyến nghị gì đối với các trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm nay?

- Một trong những lưu ý quan trọng là các trường cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Theo tôi, với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng cho thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả cao, lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể dẫn đến bỏ lỡ những thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

Các trường cần ưu tiên cho việc phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc ĐH với các phương thức xét tuyển đầu vào. Từ đó, lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh; phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường.

Các trường cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối cho thí sinh. 

Theo Báo người lao động.